Do tâm lý quá lo lắng vì COVID-19, nhiều F0 khi điều trị tại nhà đã tự tìm hiểu và tự dùng thuốc, trong đó có corticoid (như medrol).
Đã có trường hợp c.hảy m.áu tiêu hóa và nhiều trường hợp bệnh COVID-19 nặng hơn…
1. Corticoid là con dao hai lưỡi
Theo PGS. TS. Nguyễn Thị Liên Hương (Trường Đại học Dược – Hà Nội), các thuốc kháng viêm nhóm corticoid (dexamethason, prednison, methylprednisolon, hydrocortison…), bản chất thuộc nhóm hormon, với đặc tính sinh học rất mạnh ở ngay mức liều rất nhỏ và có khả năng tác động đến rất nhiều cơ quan, tổ chức trong cơ thể.
Corticoid là nhóm thuốc kháng viêm rất quen thuộc được sử dụng trong điều trị nhiều bệnh: Ức chế rối loạn viêm, chống dị ứng và ức chế hệ thống miễn dịch. Tuy nhiên, các thuốc này chỉ sử dụng sau khi cân nhắc rất kỹ lợi ích/nguy cơ và chỉ sử dụng khi thật cần thiết.
Người bệnh chỉ dùng các thuốc corticoid khi được bác sĩ kê đơn và phải dùng đúng liều lượng, thời gian do bác sĩ kê.
Cần đặc biệt lưu ý là, các thuốc corticoid có rất nhiều tác dụng phụ khác kể cả khi dùng trong thời gian ngắn như gây tăng đường huyết, tăng nhãn áp, loạn thần, loét tiêu hóa… dùng dài có thể gây ức chế trục dưới đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận, gây suy thượng thận cấp, gây loãng xương, rối loạn nội tiết… và nhiều tác dụng phụ nguy hiểm khác.
Nhiều đơn thuốc điều trị COVID-19 tại nhà được truyền tay nhau…
2. Chỉ dùng corticoid điều trị COVID-19 khi được bác sĩ kê đơn
PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, để điều trị COVID-19 một cách hiệu quả, cần phải hiểu rõ cả về bệnh và về thuốc. Người mắc bệnhCOVID-19 có thể ở các mức độ khác nhau, từ không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ, trung bình, nặng và nguy kịch. Với mỗi mức độ bệnh, cơ chế bệnh sinh rất khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau, đòi hỏi phải lựa chọn thuốc thật cẩn thận. Nếu thuốc dùng cho mức độ bệnh này bị nhầm sang mức độ bệnh khác, không những không có lợi mà còn gây hại, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.
Đơn cử với trường hợp thuốc nhóm corrticoid, với hai thuốc hay được nhắc đến trong điều trị COVID-19 là dexamethason và methylprednisolon (medrol). Nhóm thuốc này chỉ được dùng cho người bệnh từ mức độ trung bình trở lên, chủ yếu do trên những người bệnh này, hệ miễn dịch có thể đang hoạt động quá mức và gây ra tổn thương các cơ quan khác nhau trong cơ thể. Dexamethason hay methylprednisolon được chỉ định do thuốc có tác dụng ức chế miễn dịch, vào cơ thể sẽ tác động “kìm hãm” ảnh hưởng của quá mức của hệ thống miễn dịch đang tấn công và gây tổn thương cơ quan. Thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh với những trường hợp này, dùng corticoid đã làm giảm được thời gian nằm viện và cải thiện tỷ lệ t.ử v.ong.
Tuy nhiên, chỉ một tỷ lệ rất nhỏ người bệnh COVID-19 rơi vào tình trạng hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức như trên. Phần lớn các trường hợp, hệ thống miễn dịch chỉ kích hoạt ở mức độ vừa đủ để làm đúng chức năng của nó khi cơ thể nhiễm virus. Hệ thống miễn dịch chính là “sức đề kháng” tự nhiên của cơ thể, giúp chiến đấu và loại bỏ virus.
Do vậy, trong những trường hợp này, nếu tự ý dùng corticoid điều trị COVID-19, hệ miễn dịch của người bệnh sẽ bị ức chế, vô hình lại tiếp sức cho virus nhân lên và làm bệnh lý nặng nề hơn.
Cùng với đó, khi hệ thống miễn dịch của cơ thể bị yếu đi, còn có nguy cơ gia tăng bội nhiễm các tác nhân gây bệnh khác như vi khuẩn, nấm… l.àm t.ình trạng người bệnh càng phức tạp.
Theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 do Bộ Y tế ban hành mới đây, có 2 thuốc thuộc nhóm này được sử dụng đường uống cho F0 tại nhà là: Dexamethason 0,5 mg (viên nén), methylprednisolon 16 mg (viên nén). Tuy nhiên, trong đó nêu rõ, thuốc chống viêm sẽ không được phát sẵn mà do bác sĩ kê đơn và chỉ dùng một ngày trong khi chờ chuyển đến viện…
Chỉ dùng corticoid điều trị COVID-19 khi được bác sĩ kê đơn.
3. Coi chừng bão cytokin, tác hại khôn lường
Hiện nay, trên mạng nhiều người đã chia sẻ cách điều trị COVID-19, trong đó khuyên: Nên dùng các thuốc corticoid sớm để tránh gặp bão cytokin, được cho là nguyên nhân gây COVID-19 nghiêm trọng.
Hội chứng cơn bão cytokine hay còn gọi là hội chứng giải phóng cytokine, thực chất là tình trạng hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với các tác nhân xâm nhập như virus gây bệnh và dẫn đến phản ứng viêm toàn hệ thống.
Tuy nhiên, đây là những thông tin sai lệch. BS. Nguyễn Huy Hoàng (Trung tâm oxy cao áp Việt-Nga) cho hay, không dùng corticoid để dự phòng bão cytokin ở bệnh nhân COVID-19. Corticoid chống được bão cytokin nhưng phải được bác sĩ phải chỉ định và theo dõi sát sao.
Đến nay, các nghiên cứu cho thấy, việc dùng corticoid sớm (khi chưa phải thở oxy, khi SpO2 còn trên 95%) đều làm cho tỷ lệ trở nặng và tỷ lệ t.ử v.ong do COVID-19 cao hơn so với không dùng corticoid).
Việc sử dụng corticoid với mục đích để ức chế các cytokine sẽ có thể có nhiều tác dụng phụ. Nếu dùng các thuốc corticoid liều cao và kéo dài có thể gặp tác dụng phụ nguy hiểm: Làm giảm miễn dịch quá mức gây bùng phát các bệnh n.hiễm t.rùng cơ hội và làm nặng thêm bệnh đái tháo đường.
Trong 7 ngày đầu, khi virus đang nhân lên, việc dùng corticoid có thể khiến hệ miễn dịch bị suy giảm, virus càng dễ sinh sôi… Điều này làm cho tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.
Vì các lý do này, khi dùng corticoid trong điều trị nói chung và trong điều trị COVID-19 nói riêng cần rất thận trọng, cân nhắc kỹ lợi ích và nguy cơ.
Theo đúng hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế, corticoid KHÔNG được phép dùng cho người bệnh COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng mới chỉ ở mức độ nhẹ. Việc chỉ định thuốc này vào phác đồ điều trị COVID-19 phải do bác sĩ quyết định sau khi đã đ.ánh giá hết sức cẩn thận tình trạng của người bệnh.
Một số người chưa mắc COVID-19 đã mua thuốc về uống, bác sĩ nói ‘không nên’
Hiện nay có một số gia đình tích trữ sẵn các thuốc dự phòng và chia sẻ cho nhau sử dụng.
Đã có F1 sử dụng corticoid và xuất hiện triệu chứng đau bụng, nóng rát thượng vị. Việc sử dụng thuốc tùy tiện có thể gây biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe.
Cán bộ y tế phường Ô Chợ Dừa cấp phát túi thuốc A cho bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà – Ảnh: HÀ QUÂN
Đó là khuyến cáo của bác sĩ Lê Xuân Thắng – khoa nội tiêu hóa, Bệnh viện Quân y 103. Bác sĩ Thắng cho biết hiện nay, một số gia đình đang tích trữ sẵn các thuốc dự phòng trong đó có corticoid và paracetamol và sử dụng khi không có triệu chứng bệnh.
Gia đình chị T.N.T. (quận Hà Đông, Hà Nội) có 4 người, 1 người đã nhiễm COVID-19. “Chồng tôi nhiễm COVID-19 và điều trị tại nhà. Chồng tôi được cán bộ phường phát túi thuốc A. Do sợ sẽ lây nhiễm nên tôi cũng dùng chung gói thuốc dù không có triệu chứng. Sau đó xuất hiện hiện tượng đau bụng”, chị T. nói.
Sau đó, chị T. đã được bác sĩ Thắng tư vấn dùng thuốc dạ dày để hỗ trợ, tình trạng đã được cải thiện.
Bác sĩ Thắng chia sẻ, những ngày vừa qua, khi tham gia vào nhóm tư vấn cho F0 điều trị tại nhà của các bác sĩ quân y, đã nhận được nhiều cuộc điện thoại nhờ tư vấn với tình trạng bệnh nhân bị đau bụng, nóng rát thượng vị.
“Sau khi thăm hỏi thì được biết F0 không có triệu chứng cũng tự dùng thuốc và chia sẻ cho F1 dùng cùng để dự phòng nhiễm. Việc tự chia sẻ đơn thuốc để dùng chung như vậy rất nguy hiểm”, bác sĩ Thắng chia sẻ.
Theo kinh nghiệm điều trị, bác sĩ Thắng đã từng tiếp nhận bệnh nhân thủng dạ dày do uống paracetamol quá liều. Bởi vậy, việc dùng thuốc phải được hướng dẫn của bác sĩ. Như paracetamol chỉ uống khi sốt trên 38,5 độ C hoặc đau đầu trong thời gian dài. Và chỉ uống mỗi 4-6 giờ một viên paracetamol 500mg.
“F0 khi có triệu chứng hãy xin ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc, F1 chỉ cần thực hiện cách ly tốt và theo dõi sức khỏe, không cần dùng thuốc.
Các gia đình có người nhiễm COVID-19 cần bình tĩnh, không nên chia sẻ các đơn thuốc cho nhau dùng và dùng không đúng có thể gây viêm dạ dày cấp, loét, thậm chí c.hảy m.áu hoặc thủng dạ dày sau dùng corticoid hay hạ sốt, giảm đau không đúng chỉ định.
Chúng ta dự phòng bằng cách thực hiện tốt khuyến cáo 5K, ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi hợp lý, có thể bổ sung thêm vitamin C, 3B”, bác sĩ Thắng khuyến cáo.
Theo khuyến cáo của Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), để sử dụng paracetamol an toàn, với người trưởng thành mỗi ngày chỉ nên dùng 2-3 viên paracetamol loại 500mg. Người bệnh cần biết rõ tên và thành phần các thuốc đang dùng và dùng đúng hướng dẫn.
Luôn kết hợp các biện pháp khác an toàn hơn để hạ sốt, giảm đau như nới rộng quần áo, chườm, tắm nước ấm, uống đủ nước… Khi bệnh không đỡ hoặc có biểu hiện bất thường thì cần tới cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.
Với corticoid là loại thuốc làm giảm tình trạng viêm trong cơ thể. Thuốc cũng làm giảm hoạt động của hệ thống miễn dịch. Vì corticoid giúp làm giảm sưng, ngứa, mẩn đỏ và các phản ứng dị ứng, thuốc phải được bác sĩ kê đơn để điều trị bệnh nhân cụ thể, không tự ý sử dụng để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.