Khó ngủ gây ra không ít phiền phức cho người mắc. Họ có thể lên giường từ sớm, trằn trọc đến giữa đêm.
Một nghiên cứu mới đây phát hiện nâng tạ có thể cải thiện được tình trạng này.
Nâng tạ có thể giúp dễ ngủ hơn và giấc ngủ cũng kéo dài hơn. Nghiên cứu này vừa được công bố tại một hội nghị của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Tập nâng tạ có thể giúp dễ ngủ và ngủ ngon hơn vào ban đêm. Ảnh SHUTTERSTOCK
Các bằng chứng khoa học trước đây cho thấy chạy bộ, đi bộ, bơi lội mang lại một số lợi ích sức khỏe nói chung và giấc ngủ. Tuy nhiên, nghiên cứu mới này cho thấy tập nâng tạ thậm chí mang lại lợi ích giấc ngủ vượt xa cả aerobic, Phó giáo sư Angelique Brellenthin, tác giả nghiên cứu và chuyên gia về cơ thể động học tại Đại học bang Iowa (Mỹ), tiết lộ.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã cho một nhóm người thừa cân thực hiện các bài tập aerobic, nâng tạ và kết hợp 2 hình thức này lại với nhau. Các kết quả thu được mang ra so sánh với một nhóm người hoàn toàn không tập luyện gì.
Kết quả cho thấy những người kết hợp 2 loại bài tập đã có những cải thiện nhất định về chất lượng giấc ngủ. Tuy nhiên, điều thú vị là nhóm chỉ tập nâng tạ lại có hiệu quả cải thiện giấc ngủ tốt hơn rất nhiều. Họ dễ ngủ hơn, giấc ngủ kéo dài hơn 40 phút và số lần giật mình nửa đêm cũng giảm.
Nghiên cứu này mang lại một thông điệp rõ ràng là nếu bạn bị khó ngủ thì hãy đến phòng gym và tập nâng tạ. “Tập aerobic mang lại những lợi ích tích cực cho giấc ngủ nhưng nâng tạ còn tốt hơn”, Phó giáo sư Brellenthin cho biết.
Hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa thể giải thích được vì sao nâng tạ lại mang nhiều lợi ích cho giấc ngủ hơn aerobic. Một số lý thuyết cho rằng việc này là nhờ nâng tạ giúp tăng cường hàm lượng testosterone.
Một nghiên cứu công bố trên chuyên san Asian Journal of Andrology cho thấy nồng độ testosterone giảm có thể ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ. Trong khi đó, nâng tạ lại giúp tăng cường testosterone tốt hơn các hình thức tập khác.
Một giả thuyết khác là khi nâng tạ, cơ bắp sẽ hình thành các vết rách siêu nhỏ. Tình trạng này buộc cơ bắp phải gửi tín hiệu mạnh hơn đến não để đưa cơ thể vào trạng thái nghỉ ngơi và phục hồi sâu hơn vào ban đêm, theo Healthline.
Ngồi nhiều có thể tăng triệu chứng trầm cảm
Một nghiên cứu vừa công bố trên chuyên san Frontiers in Psychiatry (tạm dịch: Ranh giới trong Tâm thần học) cho biết ngồi nhiều làm chậm quá trình hồi phục các triệu chứng trầm cảm do đại dịch Covid-19 gây ra.
Nghiên cứu được bắt đầu vào tháng 4.2020 khi tình trạng khẩn cấp được ban bố ở Mỹ do dịch Covid-19. Tiến sĩ Jacob D.Meyer, nhà nghiên cứu thuộc Đại học bang Iowa (Mỹ), và các cộng sự đã tiến hành nghiên cứu để tìm hiểu những thay đổi đột ngột của việc ít vận động trong một thời gian ngắn sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe tâm thần.
Kết quả nghiên cứu trên 2.327 người từ 18 – 74 t.uổi cho thấy các phản ứng ban đầu đối với đại dịch được giảm dần khi các biện pháp y tế được áp dụng và điều chỉnh về “tình trạng bình thường mới”; tuy nhiên thời gian ngồi lâu cho thấy sự cản trở việc cải thiện của các triệu chứng trầm cảm.
Ở tuần thứ tư trong nghiên cứu, 10% người có thời gian ngồi nhiều nhất cho thấy số điểm trầm cảm cao đáng kể so với 10% người có thời gian ngồi thấp nhất. Đến tuần thứ tám, sự chênh lệch về điểm trầm cảm này thậm chí còn xa hơn.
Nhóm tác giả kết luận: Ngồi nhiều làm hạn chế việc cải thiện các triệu chứng trầm cảm xảy ra theo thời gian. Tiếp tục duy trì thời gian ngồi nhiều có thể là một yếu tố nguy cơ hành vi chính đối với các triệu chứng trầm cảm kéo dài.
Nhóm tác giả cũng cho biết cần có các nghiên cứu xa hơn để xem liệu mối quan hệ tiêu cực trên sẽ yếu đi hay mạnh lên theo thời gian. Giải pháp được gợi ý ngay lúc này là giảm thời gian ngồi hoặc chia nhỏ thời gian ngồi và thay bằng các hoạt động khác, theo PsyPost.