Bộ Y tế vừa có ý kiến về đề xuất của nhiều địa phương sử dụng kết quả test nhanh kháng nguyên để xác định người nhiễm SARS-CoV-2 và xác định tình trạng khỏi bệnh, ra viện.
Theo Bộ Y tế, hiện nay tình hình dịch Covid-19 trên cả nước diễn biến phức tạp, số mắc có xu hướng ngày một tăng. Để thích ứng tình hình mới và bảo đảm an toàn, linh hoạt phù hợp với điều kiện và nguồn lực của địa phương, Bộ đề nghị các Sở Y tế, các cơ sở y tế căn cứ cấp độ dịch, khả năng đáp ứng và các hướng dẫn về quản lý F0 tại nhà, hướng dẫn chẩn đoán điều trị Covid-19 để xác định ca bệnh theo hướng dẫn.
Trước đó, Bộ Y tế có văn bản đồng ý cho TPHCM và Hà Nội sử dụng kết quả test nhanh để xác định ca nhiễm SARS-CoV-2 và tình trạng khỏi bệnh (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).
Theo đó, có 3 trường hợp để xác định một người nhiễm SARS-CoV-2.
Thứ nhất là người có xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2 bằng RT-PCR.
Thứ 2 là trường hợp bệnh nghi ngờ có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính.
Thứ 3, là những người không có triệu chứng, có yếu tố dịch tễ hoặc tiếp xúc gần với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định mắc Covid-19 trong khoảng 14 ngày và có 2 kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính (xét nghiệm lần 2 trong vòng 8 giờ từ khi có kết quả xét nghiệm lần 1). Trong trường hợp chỉ có một kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính thì cần phải có xét nghiệm Real-time RT-PCR để khẳng định.
Về đề xuất sử dụng kết quả xét nghiệm kháng nguyên để xác định tình trạng khỏi bệnh và cho ra viện, theo Bộ Y tế, với người bệnh Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà theo quy định sẽ được dỡ bỏ cách ly, điều trị tại nhà khi thời gian cách ly, điều trị đủ 10 ngày và có kết quả xét nghiệm kháng nguyên âm tính. Trạm Y tế nơi quản lý chịu trách nhiệm xác nhận khỏi bệnh cho người bệnh.
Còn với người bệnh điều trị các cơ sở thu dung, điều trị, nếu là người bệnh Covid-19 đơn thuần hay người có bệnh nền/bệnh kèm theo, thì các triệu chứng lâm sàng cần phải hết trước ngày ra viện từ 3 ngày trở lên; có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính hoặc Ct từ 30 trở lên hoặc test nhanh âm tính vào trước ngày ra viện.
Người bệnh Covid-19 đơn thuần sau khi ra viện cần ở tại nhà, tự theo dõi trong 7 ngày, tuân thủ 5K. Đồng thời, đo thân nhiệt 2 lần/ngày. Nếu thân nhiệt cao hơn 38 độ C ở hai lần đo liên tiếp hoặc có bất kỳ dấu hiệu lâm sàng bất thường nào thì cần báo cho y tế cơ sở để thăm khám và xử trí kịp thời.
Với người có bệnh nền/bệnh kèm theo, sau khi được xác định khỏi Covid-19, được chuyển sang khoa điều trị bệnh kèm theo/ bệnh nền (nếu cần) tại buồng riêngcủa khoa đó để tiếp tục điều trị và được sàng lọc, theo dõi theo quy định đối với người bệnh nội trú.
Trong đó lưu ý, test nhanh do Bộ Y tế cấp phép và do nhân viên y tế thực hiện hoặc người nghi nhiễm thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế (trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa).
Ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên ở Việt Nam có triệu chứng gì?
Chiều 28/12, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thông tin về tình trạng sức khỏe ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên ở Việt Nam.
Bệnh nhân sức khỏe hiện ổn định, không biểu hiện triệu chứng.
Ngày 19/12, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận một trường hợp là hành khách trên chuyến bay QH9028 từ Anh Quốc về Việt Nam. Khi về đến sân bay Nội Bài (tối ngày 19/12), hành khách có kết quả xét nghiệm test nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2. Hành khách sau đó được vận chuyển bằng xe chuyên dụng từ sân bay về khu cách ly cho ca mắc Covid-19 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và được cách ly tại phòng riêng tại khu vực nhà lưu trú.
Với yếu tố dịch tễ của bệnh nhân về từ Anh Quốc, ngày 20/12, Bệnh viện đã tiến hành giải trình tự bộ gen SARS-CoV-2, kết quả nghi ngờ nhiễm biến chủng Omicron. Ngày 21/12, Bệnh viện tiếp tục tiến hành lấy mẫu, giải trình tự gen lại, cho thấy bệnh nhân mangnhiễm biến chủng Omicron (B.1.1.529).
“Hiện tại, bệnh nhân được cách ly tại phòng riêng biệt và điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế. Tình trạng sức khỏe ổn định, chưa có biểu hiện triệu chứng lâm sàng”, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thông tin.
Bệnh viện cũng cho biết, đã lường trước nguy cơ biến thể này xuất hiện tại Việt Nam khi được thông tin hành khách từ Anh Quốc trở về, do đó Bệnh viện đã phối hợp với các đơn vị liên quan vận chuyển và cách ly riêng, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân và cộng đồng.
Trước đó, ngày 24/11, WHO ghi nhận biến thể Omicron tại Nam Phi. Đây là biến thể mới được xếp vào nhóm biến thể đáng lo ngại do có khả năng lây lan nhanh, né tránh hệ thống miễn dịch, khó khăn trong việc chẩn đoán.
Các nghiên cứu ban đầu trên thế giới cũng cho thấy, biến thể Omicron có tốc độ lây lan nhanh hơn với chủng Delta. Một nghiên cứu ở Anh cho thấy Omicron gây nguy cơ tái nhiễm cao hơn 5,4 lần so với Delta.
Trong khi các ca nhiễm Omicron ở Nam Phi được cho là biểu hiện triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, bệnh nhân không bị mất vị giác, khứu giác, thì vẫn có những đ.ánh giá cho rằng chưa có bằng chứng cho thấy Omicron gây bệnh nhẹ hơn Delta.
Biến thể Omicron đã lây lan ra nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Mỹ, hiện số ca nhiễm biến thể Omicron đang có nguy cơ khiến các bệnh viện và nhân viên y tế rơi vào tình trạng quá tải. Biến thể này đã được ghi nhận trong hơn 90% số ca nhiễm mới ở nhiều khu vực tại Mỹ.
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết thêm, trong tháng 9/2021, Trung tâm NCYH Việt – Đức (BV Trung ương Quân đội 108) đã nhận được hơn 2.000 mẫu RNA của các bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2 ở TPHCM và Bình Dương. Hơn 1.000 mẫu đã được giải trình tự đều nhiễm biến chủng Delta, trong đó 834 mẫu đã được đăng tải lên GISAID (https://www.gisaid.org/), đây là một trang thông tin lưu trữ cung cấp dữ liệu bộ gen của virus cúm và coronavirus gây ra đại dịch Covid-19, cho phép toàn cầu truy cập để cập nhật, ứng phó với đại dịch.
Từ cuối tháng 11/2021, khi số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội tăng lên, F0 cộng đồng gia tăng, Trung tâm đã giải trình tự được 47 bệnh nhân là biến thể Delta – dòng AY.57 (giống đa số các mẫu đã được xác định từ HCM), có 3 trường hợp là biến thể Delta – dòng AY.79 (B.1.617.2.79 – nguồn gốc từ Malaysia).
Tính đến ngày 22/12/2021, Trung tâm NCYH Việt – Đức (VGCARE) đã đóng góp 40.8% dữ liệu từ Việt Nam trong cơ sở dữ liệu về gen của SARS-CoV-2 (GISAID-đây là cơ sở dữ liệu được các nhà khoa học tại các quốc gia cùng tham khảo, theo sát sự biến đổi của SARS-CoV-2).