Một nhà nghiên cứu ở Cộng hòa Cyprus tuyên bố đã tìm thấy biến thể SARS-CoV-2 mới mang các đặc điểm của Delta và Omicron.
Tuy nhiên, phát hiện này gây ra nghi ngờ cho các nhà khoa học khác.
Các nhà khoa học ở Cộng hòa Cyprus tuyên bố mình đã phát hiện ra biến thể Deltacron. Ảnh AFP
Một nhà nghiên cứu ở Cộng hòa Cyprus tuyên bố đã tìm thấy biến thể SARS-CoV-2 mới mang các đặc điểm của Delta và Omicron.
Tuy nhiên, phát hiện này gây ra nghi ngờ cho các nhà khoa học khác.
Gần đây, một tin tức mới về các biến thể của SARS-CoV-2 đã gây chú ý: nhà nghiên cứu Leonidos Kostrikis tại Đại học Cyprus nói mình đã phát hiện ra một biến thể mới mang đặc điểm của các biến thể Delta và Omicron. Biến thể này được gọi là Deltacron.
Ông Leonidos Kostrikis, chuyên gia sinh học và người đứng đầu Phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học và Virus học phân tử, đã cùng nhóm của mình xác định được 25 trường hợp nhiễm Deltacron.
Theo ông Kostrikis, Deltacron có các dấu hiệu di truyền giống Omicron trong hệ gien Delta. Hiện Omicron rất dễ lây lan và đã trở thành biến thể SARS-CoV-2 ưu thế ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Anh và Mỹ. Trong khi đó, biến thể Delta đã hoành hành khắp thế giới vào mùa hè. Những người nhiễm Delta có nguy cơ nhập viện cao hơn đáng kể so với những người mắc Covid-19 do biến thể Alpha.
Phát biểu trên đài truyền hình Sigma TV ngày 7.1, ông Kostrikis nói: “Trong tương lai, chúng ta sẽ thấy liệu Deltacron có gây bệnh nặng hơn, dễ lây lan hơn hay lấn át Delta và Omicron”.
DW đưa tin việc công bố sự xuất hiện của một biến thể có khả năng lây lan nhanh như Omicron hoặc gây bệnh nặng hơn đã gây chú ý. Tuy nhiên, các chuyên gia khác đã đặt câu hỏi về tính xác thực của những phát hiện của Kostrikis.
Mẫu bị nhiễm bẩn
“Kết quả giải trình tự gien Deltacron của các nhà khoa học Cyprus được một số phương tiện truyền thông lớn đưa tin gần đây rõ ràng đã bị nhiễm bẩn”, ông Thomas Peacock, nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Barclay tập trung nghiên cứu SARS-CoV-2 của Đại học Hoàng gia London, viết trên Twitter ngày 8.1.
Trong một bài đăng khác, ông Peacock nói thêm rằng “điều này không thực sự liên quan đến chất lượng của phòng thí nghiệm hay những thứ tương tự. Chuyện này thỉnh thoảng xảy ra ở mọi phòng thí nghiệm giải trình tự gien!”.
Một số nhà khoa học cho rằng việc phát hiện Deltacron là sai lầm trong phòng thí nghiệm. Ảnh AFP
Sau các ý kiến trái chiều, ông Kostrikis ngày 9.1 tiếp tục bảo vệ các phát hiện của mình. Trong tuyên bố gửi Bloomberg qua email, nhà khoa học này cho biết các ca nhiễm vừa được xác định “cho thấy chủng SARS-CoV-2 chịu áp lực tiến hóa trong việc phải có được các đột biến”. Điều này khiến ông tin rằng sự kết hợp giữa Delta và Omicron đã xảy ra. Ông Kostrikis cũng nói thêm rằng sự kết hợp này không phải là kết quả của một sự kiện hy hữu, như việc mẫu trong phòng thí nghiệm bị nhiễm bẩn.
Chuyên gia Kostrikis cũng cho biết các mẫu mà ông phân tích được xử lý theo nhiều quy trình giải trình tự gien ở các quốc gia khác nhau.
“Không phải là sự kết hợp giữa Omicron và Delta”
Hiện tượng tái tổ hợp đã được ghi nhận ở virus và phát sinh khi nhiều biến thể của virus cùng tồn tại – vốn là chuyện đang xảy ra với SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng ở Deltacron, các đột biến giống Omicron trong bộ gien Delta nằm trong cùng một phần của trình tự di truyền. Các khó khăn trong các quy trình giải trình tự gien nhất định sẽ ảnh hưởng đến phần này của trình tự di truyền.
Trao đổi với DW, ông Jeffrey Barrett, giám đốc Sáng kiến gien Covid-19 ở Viện Wellcome Sanger tại Anh, dẫn lại nghiên cứu mà viện của ông đã thực hiện về chủ đề này. Nghiên cứu đó khiến ông tin rằng “biến thể” Deltacron “gần như chắc chắn không phải là kết quả của sự tái tổ hợp sinh học giữa Delta và Omicron”.
Vậy liệu chúng ta có thể bỏ qua những phát hiện ở Cyprus, thở phào nhẹ nhõm và bước tiếp không? Vẫn còn hơi sớm cho việc đó. DW dẫn lời ông Timo Wolf, bác sĩ và là người đứng đầu đơn vị cách ly tại Bệnh viện Đại học Frankfurt (Đức), cho biết ông lạc quan nhưng vẫn thận trọng vào lúc này.
“Tôi không nghĩ rằng có dấu hiệu cho thấy điều này sẽ gây ra một vấn đề lớn”, ông Wolf nói. Bác sĩ này cũng thừa nhận rằng dữ liệu như của ông Kostrikis vẫn cần được xem xét kỹ lưỡng. “Để chắc chắn, tôi nghĩ chúng ta sẽ phải đợi thêm vài tuần nữa”, ông Wolf cho biết.
Mũi 3 vaccine AstraZeneca tăng kháng thể ở người tiêm các loại khác nhau
Dù trước đó tiêm bất cứ loại vaccine nào, việc tiêm mũi 3 tăng cường vaccine Covid-19 của AstraZeneca giúp tăng phản ứng kháng thể chống lại các biến thể, bao gồm cả Omicron.
Kết quả khả quan từ phân tích sơ bộ của một thử nghiệm nghiên cứu về khả năng sinh miễn dịch và tính an toàn của vaccine (có tên D7220C00001) cho thấy việc sử dụng vaccine Covid-19 của AstraZeneca, còn có tên là Vaxzevria làm mũi tiêm thứ ba tăng cường, giúp tăng đáp ứng miễn dịch chống lại các biến thể của virus SARS-CoV-2 như Beta, Delta, Alpha và Gamma.
Đồng thời, một phân tích riêng biệt của các mẫu lấy từ thử nghiệm này cho thấy đáp ứng kháng thể đối với biến thể Omicron cũng được tăng cường.
Kết quả được ghi nhận ở những người trước đó đã tiêm Vaxzevria hoặc vaccine mRNA.
Tiêm liều tăng cường mũi 3 vaccine Covid-19 AstraZeneca cho thấy tăng phản ứng kháng thể, dù trước đó tiêm bất cứ loại vaccine Covid-19 nào. (Ảnh minh họa: Tố Linh).
Bên cạnh đó, một thử nghiệm pha IV, được công bố dưới dạng bản in trước trên tạp chí khoa học The Lancet, cho thấy việc tiêm mũi thứ ba sử dụng Vaxzevria giúp tăng đáng kể nồng độ kháng thể ở những người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vaccine CoronaVac của Sinovac Biotech.
AstraZeneca cho biết, những dữ liệu này củng cố thêm những bằng chứng cho thấy hiệu quả của việc sử dụng Vaxzevria làm liều tiêm thứ ba tăng cường, bất kể trước đó tiêm liệu trình cơ bản bằng loại vaccine nào.
Ông Mene Pangalos, Phó Chủ tịch Điều hành BioPharmaceuticals R&D thuộc AstraZeneca, cho biết: ” Vaxzevria đã giúp bảo vệ hàng trăm triệu người trên thế giới trước đại dịch Covid-19. Các dữ liệu trên cho thấy vaccine này giữ vai trò quan trọng trong việc dùng làm mũi tiêm thứ ba tăng cường, kể cả khi trước đó người dân đã tiêm các loại vaccine khác. Trong bối cảnh cấp bách hiện tại của đại dịch, cũng như với khả năng tăng cường phản ứng miễn dịch chống lại biến thể Omicron của Vaxzevria, chúng tôi sẽ tiếp tục đệ trình hồ sơ lên các cơ quan quản lý trên thế giới để sử dụng vaccine này làm mũi tiêm thứ ba tăng cường.”
Giáo sư Andrew J Pollard, nhà nghiên cứu chính và trưởng nhóm nghiên cứu Oxford Vaccine Group, Đại học Oxford, cho biết: “Những nghiên cứu quan trọng này chứng minh rằng việc sử dụng vaccine Vaxzevria làm mũi tiêm thứ ba sau liệu trình tiêm hai liều vaccine cùng loại, hoặc vaccine mRNA hoặc vaccine bất hoạt, đều giúp tăng cường mạnh mẽ khả năng miễn dịch chống lại Covid-19. Vaccine Oxford-AstraZeneca là một lựa chọn phù hợp để tăng miễn dịch cộng đồng tại những quốc gia đang cân nhắc chương trình tiêm mũi tăng cường, góp phần củng cố thêm hiệu quả bảo vệ đã được minh chứng với hai liều tiêm trước đó.”
Đến nay, vaccine Covid-19 của AstraZeneca đã được cấp phép có điều kiện hoặc sử dụng khẩn cấp ở hơn 90 quốc gia và nằm trong Danh sách sử dụng khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới, giúp đẩy nhanh tiếp cận cho 144 quốc gia thông qua Cơ chế COVAX.
Tại Việt Nam, vaccine Covid-19 của AstraZeneca đã được sử dụng làm mũi tiêm thứ ba tăng cường từ đầu tháng 12/2021.