Những điều này khiến bác sĩ của bạn căng thẳng, đừng bao giờ làm vậy!
Đại dịch Covid-19 đã khiến công việc vốn đã căng thẳng của nhân viên y tế trở nên khó khăn hơn đáng kể. Theo một cuộc khảo sát của Hiệp hội Y khoa Mỹ, các bác sĩ, trợ lý điều dưỡng, trợ lý y tế, nhân viên xã hội, nhân viên điều trị nội trú và nhiều hơn nữa đang bị quá tải công việc (43%), kiệt sức (49%), lo lắng và trầm cảm (38%), và sợ hãi khi bản thân hoặc gia đình tiếp xúc với Covid-19 (61%).
Để hỗ trợ nhân viên y tế, đây là những điều bạn không bao giờ nên làm tại phòng khám của bác sĩ, theo Eat This, Not That!
1. Không đeo khẩu trang đúng
Đừng bao giờ đeo khẩu trang mà như không đeo thế này. Ảnh SHUTTERSTOCK
Một trong những cách đơn giản nhất để hỗ trợ và bảo vệ nhân viên y tế là đeo khẩu trang N95/K95 sạch che kín mũi và miệng của bạn.
“Khẩu trang là để giữ an toàn cho bản thân, cho các thành viên trong gia đình bạn, cho những người thân yêu của bạn và giữ cho cộng đồng của chúng ta được an toàn”, Meena Davuluri, một bác sĩ tiết niệu và kết quả sức khỏe tại Trung tâm Y tế New York-Presbyterian/Weill Cornell ở Thành phố New York (Mỹ), cho biết.
“Đó thực sự là ý nghĩa của chiếc khẩu trang. Nó không ảnh hưởng đến tự do của bất kỳ ai hoặc quyền của họ. Điều duy nhất chúng tôi thực sự biết là cách tốt nhất để ngăn ngừa căn bệnh này là đeo khẩu trang”, Pratistha Koirala, tiến sĩ, bác sĩ cho biết.
“Một trong những điều tôi muốn thấy là nhiều người che toàn bộ mũi và miệng của họ. Tôi thấy nhiều người chỉ che miệng mà không che mũi, và điều đó sẽ không hiệu quả để bảo vệ bản thân”, tiến sĩ Koirala lưu ý.
2. Nói dối về sức khỏe của bạn
Khi bạn nói dối bác sĩ hoặc bỏ sót những thông tin quan trọng, bạn không chỉ lãng phí thời gian của chính mình và của họ mà còn có khả năng phá hoại sức khỏe của chính mình.
“Khi bệnh nhân coi thường hoặc phóng đại các triệu chứng, lựa chọn lối sống, mức độ đau hoặc tác dụng phụ, họ thường không nhận ra rằng điều đó có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của họ – và chất lượng điều trị mà họ nhận được”, Ryan Grey, cựu bác sĩ phẫu thuật của Lực lượng Không quân, cho biết.
“Nói dối cũng có thể nguy hiểm, vì nó có thể gây ra tương tác hoặc quá liều thuốc”, ông Grey cho biết thêm.
3. Phàn nàn về các bác sĩ khác
Khi bệnh nhân phàn nàn về các bác sĩ khác, họ muốn “nói” rằng “bệnh nhân này khó khăn” (và có thể sẽ kiện tôi vào một ngày nào đó)…, tiến sĩ Grey cho biết.
4. Thô lỗ, hung hăng
Đừng bao giờ hung hăng, thô lỗ với bác sĩ, nhân viên y tế. Ảnh SHUTTERSTOCK
Tiến sĩ Grey nói: “Mặc dù hầu hết mọi người đều nhận ra rằng bác sĩ cũng là những người bình thường, nhưng một số người tin rằng bác sĩ không bao giờ được phép mắc sai lầm”.
Theo tiến sĩ Grey, bệnh nhân cần nhận ra rằng các bác sĩ là đối tác của họ, và việc bệnh nhân trở nên hiếu chiến hoặc khó chịu sẽ chỉ gây hại cho mối quan hệ này, theo Eat This, Not That!
5. Đến muộn
Đến muộn là một thói quen xấu. Ảnh SHUTTERSTOK
Đôi khi mọi thứ xảy ra ngoài tầm kiểm soát và chúng ta đến muộn. Nhưng nếu bạn là kiểu người thường xuyên đi muộn, điều đó sẽ gây khó chịu cho nhiều người.
Việc một người đến muộn là không công bằng hoặc tôn trọng đối với những bệnh nhân đến khám đúng giờ đã hẹn mà bị khám muộn. Bạn phải tôn trọng thời gian của người khác.
Hồi phục sau Covid-19
F0 sau khi khỏi bệnh, để nhanh hồi phục nên vận động nhẹ hàng ngày, tiếp xúc với ánh nắng ít nhất 30 phút mỗi ngày, tăng cường dinh dưỡng và tập dưỡng sinh để tăng thể lực.
Thạc sĩ bác sĩ Ngô Thị Kim Oanh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cơ sở 3 cho biết: Người có di chứng sau mắc Covid-19 như mệt mỏi kéo dài, ho, khó thở, vấn đề về da, tiêu hóa… cần ăn uống và tập luyện để đẩy nhanh quá trình hồi phục.
“Nên sắp xếp thời gian ngủ nghỉ hợp lý, hạn chế ngủ nhiều vào ban ngày hoặc nằm một chỗ. Điều này sẽ khiến cơ thể trì trệ, với người lớn t.uổi dễ có triệu chứng chóng mặt (do thay đổi huyết áp tư thế) sau đợt nằm lâu. Khuyến khích người bệnh vận động nhẹ gồm: đi bộ chậm, tập thể dục nhẹ, đạp xe đạp rất chậm, tập dưỡng sinh…Vận động nhẹ giúp tiêu hao 200 calo/ giờ”, bác sĩ Kim Oanh chia sẻ.
Nên tiếp xúc với ánh nắng ít nhất 30 phút mỗi ngày , có thể vào buổi sáng sớm hoặc nắng chiều giúp nhịp sinh học của cơ thể được điều hòa. Hạn chế nhìn vào màn hình điện thoại hoăc thiết bị điện tử liên tục trong ngày. Với người đã hoàn thành thời gian tự cách ly, khuyến khích tham gia các hoạt động cùng với người thân như chuẩn bị bữa ăn, dọn dẹp nhà cửa, để sớm quay lại trạng thái sinh hoạt thường ngày.
Đặc biệt với người lớn t.uổi, việc trò chuyện cùng người thân trong gia đình sẽ giúp giảm sự lo lắng, kích thích hoạt động não sau nhiễm bệnh. Khuyến khích người bệnh tham gia các hoạt động tinh thần như đọc sách báo, bàn luận về tin tức, cầu nguyện tùy theo tôn giáo và tín ngưỡng. Trong một số trường hợp cần thiết, có thể tìm đến các chuyên gia hỗ trợ tư vấn tâm lý nếu người bệnh có vấn đề lo lắng, đau buồn kéo dài do trải nghiệm bệnh vừa qua.
Theo bác sĩ Kim Oanh, ở giai đoạn bệnh, mức chuyển hóa cơ bản tăng 10% khi có sốt, khó thở, vì vậy cần tăng cường dinh dưỡng để bù đắp cho sự chuyển hóa đó kể cả khi đã qua giai đoạn nhiễm cấp. Số bữa ăn trong ngày có thể chia 3-5 bữa tùy theo sức ăn.
Mỗi ngày nên ăn 20-30 g chất xơ, 400-500 g rau quả. Hình thức chế biến nên hạn chế chiên xào nhiều dầu mỡ, nên kèm thêm các món súp xay, canh hầm xương, các loại đậu, hạt sen, đại táo, câu kỷ tử… để giúp việc tiêu hóa tốt hơn.
Trong các nguyên tố vi lượng, cần đặc biệt bổ sung kẽm ở nhóm bệnh nhân có triệu chứng mệt mỏi, kém tập trung, buồn ngủ, tiêu hóa kém dễ bị tiêu lỏng. “Với dạng viên uống có thể bổ sung 30-100 mg kẽm nguyên tố/ngày kéo dài 2-3 tháng tùy tình trạng cơ thể. Ngoài ra kẽm có trong các loại thức ăn như: hàu, sò, thịt gia súc, gia cầm, tôm, cua, cá… nên bổ sung cùng với nhóm thực phẩm giàu vitamin C để tăng cường hấp thu”, bác sĩ Oanh khuyến cáo.
Bác sĩ Phạm Ánh Ngân, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cơ sở 3 chia sẻ: Bên cạnh chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt, việc tập dưỡng sinh giúp hỗ trợ người bệnh trong thời gian tự cách ly mau hồi phục. Người bệnh có thể thực hành các bài tập thở 4 thời kết hợp xoa ngũ quan…
Để thực hiện bài tập thở 4 thời, người bệnh nằm ngửa thẳng, kê một gối ở mông cao thấp tùy sức. Tay trái để trên bụng, tay phải để ở ngực.
Thời 1: Hít vào đều, sâu, tối đa, ngực nở, bụng phình và căng. Thời gian 4-6 giây, hít ngực bụng nở.
Thời 2: Giữ hơi, mở thanh quản bằng cách liên tục hít thêm, đồng thời giơ một chân giao động qua lại, cuối thời hạ chân xuống. Thời gian 4-6 giây. Giữ hơi hít thêm.
Thời 3: Thở ra, tự nhiên, thoải mái, không kiềm thúc. Thời gian 4-6 giây.
Thời 4: Nghỉ, thư giãn, chân tay nặng ấm. Chuẩn bị trở lại thời 1. Thời gian 4-6 giây.
“Đối với người có triệu chứng khó thở, hụt hơi, nên có người thân bên cạnh khi tập luyện, tập chậm và không gắng sức khi tập. Duy trì thời gian tập 15-30 phút/ ngày. Trước khi tập, có thể kết hợp các bài tập kéo giãn cơ, khởi động khớp như: động tác xem xa xem gần, sờ đất vươn lên, đạp xe đạp tại chỗ,… Ngoài ra, tập kèm với dụng cụ như khăn hoặc gậy để kéo dãn hết tầm vận động của khớp”, bác sĩ Ngân khuyên.
Việc tạo thành một nhóm cùng tập luyện, từ những người thân trong gia đình hoặc nhóm trên mạng xã hội, sẽ giúp người bệnh có tinh thần và kỷ luật cho quá trình tập luyện. Khi độ bền và thể lực của người bệnh được luyện tập, sẽ giúp cải thiện các triệu chứng như: sợ lạnh, nặng ngực, mệt mỏi.
Đối với người bệnh có triệu chứng tiêu hóa như: đầy hơi, khó tiêu, đi phân lỏng kéo dài sau nhiễm virus, nên kết hợp bài tập xoa tam tiêu (làm ấm ngực – bụng) và sử dụng túi chườm thảo dược (hoặc túi chườm ấm) để giữ ấm vùng bụng, sẽ hỗ trợ cải thiện triệu chứng. Đối với người bệnh còn ho khạc đàm kéo dài, trong quá trình tập, người thân có thể hỗ trợ vỗ lưng khạc đàm để giúp bệnh nhân tập ho khạc hiệu quả.
Trong quá trình hồi phục, việc đồng hành rất quan trọng, đặc biệt khi người bệnh phải trải qua một thời gian dài cách ly.
“Nếu các triệu chứng kéo dài, gây cản trở đến sinh hoạt và tinh thần, người bệnh cần đến các cơ sở y tế có điều trị hậu Covid-19 để được thăm khám và điều trị sớm”, bác sĩ khuyến cáo.
Tập luyện nhẹ nhàng và tiếp xúc với ánh nắng 30 phút mỗi ngày giúp cho nhịp sinh học của cơ thể được điều hòa. Ảnh. Lê Cầm