Trước sự gia tăng ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu, các nhà khoa học đã so sánh tốc độ lây nhiễm của biến thể Omicron với biến thể Delta và cảnh báo về khả năng tránh miễn dịch của biến thể mới này.
Lây nhiễm cho người cùng nhà cao hơn 48% so với delta
Tại Cơ quan An ninh y tế Anh (UKHSA), các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu của 51.281 người xét nghiệm dương tính với Omicron hoặc Delta trong khoảng thời gian từ ngày 5 – 11.12.2021 và 151.592 người tiếp xúc gần với họ. Kết quả chỉ ra khả năng lây nhiễm của biến thể Omicron cho những người sống chung cao hơn 48% so với biến thể Delta.
Theo thống kê, người nhiễm Delta lây cho 4% những người tiếp xúc bên ngoài nhà (không phải người sống chung), trong khi con số này là 8% ở biến thể Omicron – gấp 2 lần so với Delta. Số liệu này cho thấy khả năng lây nhiễm của Omicron thậm chí còn rõ ràng hơn bên ngoài hộ gia đình, dù khả năng tiếp xúc nhiều lần thấp hơn và thời gian tiếp xúc cũng ngắn hơn.
Test nhanh Covid-19 tại một điểm xét nghiệm ở New York, Mỹ. ẢNH REUTERS
Nghiên cứu cũng đ.ánh giá mức độ ảnh hưởng của việc tiêm phòng đối với khả năng lây nhiễm của 2 biến thể. Những người không tiêm vắc xin Covid-19 có nguy cơ nhiễm Omicron cao hơn 23% so với Delta.
Khả năng tránh miễn dịch
Theo dữ liệu của UKHSA, hơn 650.000 người ở Anh đã tái nhiễm Covid-19 và hầu hết được ghi nhận trong 2 tháng gần đây. Trước thời điểm giữa tháng 11.2021, tỷ lệ tái nhiễm chiếm khoảng 1% các trường hợp dương tính với Covid-19, nhưng tỷ lệ này hiện đã tăng lên khoảng 10%. Theo Văn phòng thống kê quốc gia Anh (ONS), nguy cơ tái nhiễm cũng được ghi nhận đã tăng lên 16 lần so với thời điểm biến thể Delta còn thống trị (từ tháng 5 – 12.2021).
Ngoài tốc độ lây lan nhanh, các nhà khoa học cho rằng khả năng tránh miễn dịch có thể là một trong những lý do giải thích vì sao chủng Omicron làm tăng nguy cơ tái nhiễm.
Đầu tháng 2 vừa qua, trên chuyên san The New England Journal of Medicine, các nhà khoa học thuộc Trường ĐH Weill Cornell Medicine (Qatar) cho biết đã đo lường mức độ tránh miễn dịch của Omicron. Miễn dịch sinh ra từ lần nhiễm bệnh trước có hiệu quả ngăn ngừa khoảng 90% nguy cơ tái nhiễm các biến thể Alpha, Beta và Delta nhưng chỉ 56% hiệu quả với Omicron. Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là khả năng bảo vệ của hệ miễn dịch khỏi các trường hợp nhiễm Omicron diễn tiến nặng và t.ử v.ong vẫn ở mức cao, đến 88%.
Hai nghiên cứu được tài trợ bởi Viện Y tế quốc gia Mỹ (NHI) đã kiểm tra phản ứng miễn dịch của mẫu m.áu từ người đã tiêm vắc xin đối với Omicron. Hai nghiên cứu tiến hành độc lập và có cùng kết quả cho thấy tế bào T – sinh ra từ phản ứng của vắc xin, đã nhận ra các biến thể bao gồm cả Delta và Omicron. Phần lớn các phản ứng của tế bào T vẫn có hiệu quả từ 80 – 85% chống lại Omicron. Người tham gia được lấy mẫu nhiều lần trong 1 – 8 tháng sau mũi vắc xin cuối cùng. Nghiên cứu cũng nhận thấy các tế bào B và các kháng thể trung hòa giảm đi sau 6 tháng chủng ngừa (tế bào B vốn có chức năng thúc đẩy việc sản xuất ra kháng thể chống lại vi rút).
Nghiên cứu: Mũi 3 vắc xin Covid-19 có khả năng bảo vệ cơ thể trong nhiều năm
Các nhóm nghiên cứu khác trên thế giới cũng báo cáo kết quả tương tự: Các tế bào T được tạo ra bởi vắc xin tiếp tục nhận ra Omicron. Mặc dù phản ứng kháng thể chống lại các biến thể giảm nhưng tế bào T vẫn đóng vai trò như một tuyến phòng thủ thứ hai. Điều này có thể giúp giải thích tại sao nhiễm Omicron, mặc dù dễ lây lan, nhưng ít có khả năng dẫn đến bệnh nặng ở những người được tiêm chủng đầy đủ.
Hiện cơ chế vì sao Omicron có thể tránh được miễn dịch chưa được làm rõ. Nhưng các số liệu của UKHSA vẫn cho thấy 3 mũi vắc xin giúp tránh lây nhiễm tốt hơn so với 2 mũi, theo Nature.
Nghiên cứu mở ra triển vọng bào chế vaccine phòng virus SARS-CoV-2 và các biến thể
Trong tương lai, các hãng dược có thể phát triển vaccine có thể phòng chống nhiều biến thể khác nhau bằng cách sử dụng khả năng miễn dịch do cả biến thể Omicron và Delta tạo ra.
Trong một nghiên cứu mới của Mỹ, việc nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 sẽ không thể tạo ra khả năng miễn dịch rộng ở người chưa tiêm phòng để có thể phòng chống các biến thể khác, song có thể làm tăng khả năng miễn dịch đang hoạt động ở những người đã tiêm phòng, từ đó giúp họ phòng chống tốt hơn đối với các biến thể khác. Kết quả nghiên cứu cho thấy tầm quan trọng của việc tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Dayton, Ohio, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Nghiên cứu này do một nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học California tại San Francisco, Đại học California ở Berkeley, Cơ quan y tế công cộng California và Curative Inc – công ty khởi nghiệp về xét nghiệm COVID-19, thực hiện.
Các nhà nghiên cứu đã tiêm virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện tại Mỹ năm 2020, biến thể Delta, biến thể Omicron vào các con chuột thí nghiệm và lấy huyết thanh để xét nghiệm xem chúng có khả năng chống virus SARS-CoV-2 và các biến thể của virus này là Alpha (lần đầu phát hiện ở Anh), Beta (lần đầu phát hiện ở Nam Phi), Delta (lần đầu phát hiện ở Ấn Độ) và Omicron (phát hiện đầu tiên ở Nam Phi).
Các nhà nghiên cứu nhận thấy những con chuột nhiễm biến thể Delta có khả năng phòng vệ tốt nhất trước các biến thể khác, trừ biến thể Beta, vốn được cho là có khả năng cao “trốn” được hệ miễn dịch. Trong khi đó, ở những con chuột nhiễm biến thể Omicron thì hệ miễn dịch của chúng chỉ có thể phòng chống chính biến thể này mà không thể phòng chống các biến thể khác.
Mặt khác, huyết thanh lấy từ những con chuột nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể phòng chống hiệu quả đối với virus này cũng như với biến thể Alpha và Delta, song không phòng chống hiệu quả trước biến thể Beta hoặc Omicron. Đây là một trong những lý do khiến biến thể Omicron đang gây ra số ca mắc COVID-19 cao đột biến ở những người đã tiêm vaccine đầy đủ. Mặc dù vậy, các nhà nghiên cứu khẳng định các vaccine ngừa COVID-19 vẫn mang lại hiệu quả trong việc ngăn chặn bệnh diễn tiến nặng và gây t.ử v.ong.
Sau khi tiến hành nghiên cứu trên chuột, các nhà khoa học đã sử dụng huyết thanh lấy từ những ca lây nhiễm đột phá (tức là vẫn mắc COVID-19 dù đã tiêm phòng đầy đủ) trong làn các sóng dịch bệnh do biến thể Delta và Omicron gây ra, để xem mức độ phòng chống trước virus SARS-CoV-2 cũng như các biến thể khác của virus này.
Kết quả cho thấy, huyết thanh của những người lây nhiễm đột phá trong làn sóng dịch Delta có thể vô hiệu hóa hiệu quả đối với mọi biến thể, mặc dù khả năng này đối với biến thể Omicron ở mức thấp. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng thừa nhận rằng huyết thanh lấy từ những người lây nhiễm đột phá trong làn sóng dịch COVID-19 do biến thể Omicron đã tạo ra sự bảo vệ tốt trước các biến thể.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng những người nhiễm biến thể Omicron có thể giúp làm tăng khả năng miễn dịch hiện có, song không tạo ra khả năng phòng chống đối với các biến thể khác. Trong khi đó, những người nhiễm biến thể Delta có thể tạo ra khả năng miễn dịch rộng lớn. Do vậy, trong tương lai, các hãng dược có thể phát triển vaccine có thể phòng chống nhiều biến thể khác nhau bằng cách sử dụng khả năng miễn dịch do cả biến thể Omicron và Delta tạo ra.