Thời gian gần đây, làn sóng mới của đại dịch Covid-19 tiếp tục gia tăng bởi biến thể Omicron có tính lây lan nhanh và rộng.
Nhiều người mắc bệnh dù đã tiêm đủ 2 – 3 mũi vắc xin, theo ghi nhận tình trạng tái nhiễm biến thể mới cũng xảy ra trên người đã từng mắc trước đây. Tuy nhiên, tỷ lệ trở nặng và t.ử v.ong trong thời điểm hiện tại vẫn ghi nhận ở mức thấp do tính bảo vệ của vắc xin phát huy hiệu lực.
Đa phần người bệnh thường có các triệu chứng nhẹ như sốt nhẹ, ho, giảm mùi vị, khó thở nhẹ, hụt hơi,… kéo dài thường từ 3 – 5 ngày và âm tính rất nhanh. Việc Bộ Y tế áp dụng rộng rãi các loại thuốc kháng virus cũng là một trong những tác động tích cực với tình hình đại dịch diễn biến nhanh như hiện nay.
Ca nhiễm tăng cao ở nhiều địa phương, song người bệnh đa phần cách ly tại nhà, tự theo dõi sức khỏe và điều trị bằng các gói thuốc cho F0. Ảnh SHUTTERSTOCK
Ca nhiễm tăng cao ở nhiều địa phương, song người bệnh đa phần cách ly tại nhà, tự theo dõi sức khỏe và điều trị bằng các gói thuốc cho F0 trong thời gian mắc bệnh. Nếu không chăm sóc đúng cách hoặc không theo dõi diễn tiến bệnh để thông báo với y tế địa phương khi xảy ra các tình huống trở nặng sẽ khó kiểm soát tình trạng sức khỏe.
Tự theo dõi sức khỏe và khai báo với y tế địa phương
Khi phát hiện bản thân hoặc người thân nhiễm bệnh, việc đầu tiên cần làm là giữ bình tĩnh, hạn chế tiếp xúc tối đa với những người xung quanh, mang khẩu trang và cách ly ngay khi có thể.
Người bệnh cần khai báo với y tế địa phương khi phát hiện mình nhiễm bệnh để nhận các chăm sóc cần thiết như gói thuốc an sinh, thuốc kháng virus và hỗ trợ khi cần thiết.
Theo dõi các triệu chứng hằng ngày, đặc biệt đối với những đối tượng có nguy cơ cao sẽ trở nặng khi mắc bệnh như có t.iền sử đái tháo đường, thể trạng thừa cân – béo phì, đang điều trị các bệnh ung thư (nhất là ung thư phổi, ung thư m.áu hoặc ung thư di căn,…), mắc các bệnh suy giảm miễn dịch,… Ngay khi có các triệu chứng sốt liên tục không giảm, ho nhiều kèm theo khó thở và nặng tức ngực, đo nồng độ oxy m.áu (SpO2) có chỉ số dưới 94% người bệnh cần gọi ngay cho y tế địa phương hoặc cấp cứu 115 để được hỗ trợ.
Ở những người bệnh có triệu chứng nhẹ như sốt, ho, mệt mỏi, chỉ cần nghỉ ngơi, thư giãn, sử dụng các thuốc điều trị triệu chứng, thuốc kháng virus khi được chỉ định và ăn uống đầy đủ sẽ dễ dàng nhanh chóng khỏi bệnh.
Ăn uống đủ chất
Người bệnh cần ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, bổ sung các loại vitamin A, C,… như nước cam, chanh,… Tuy nhiên không sử dụng quá nhiều để tránh gây tình trạng đau dạ dày ở một số đối tượng nhạy cảm.
Uống đủ lượng nước trong ngày (2 – 2.5 lít).
Uống đủ lượng nước rất quan trọng. Ảnh SHUTTERSTOCK
Đối với những người bệnh có nhiều triệu chứng như đau rát họng và chán ăn do giảm mùi vị có thể ăn một số thực phẩm nấu chín mềm hoặc cháo.
Rau củ quả là một trong những thành phần không thể thiếu trong các bữa ăn ngoài các chất đạm khác. Ưu tiên những loại thực phẩm và cách chế biến đơn giản, dễ dàng tiêu hóa. Hạn chế sử dụng các thực phẩm sống lạnh, nước đá,…
Tập luyện
Việc ở trong một không gian hẹp kéo dài sẽ khó khăn cho việc vận động tập luyện, tuy nhiên người bệnh vẫn phải duy trì một chế độ luyện tập thể dục đều đặn trong thời gian cách ly, nên dành ra khoảng 20 – 30 phút buổi sáng và 20 – 30 phút buổi chiều để vận động theo một số bài tập thể dục tại chỗ.
Tập hít thở sâu cố gắng duy trì nhịp thở thật chậm rãi, cố gắng hít sâu tối đa và thở ra từ từ, theo dõi hơi thở ra vào cơ thể, có thể thực hiện nhiều lần trong ngày để lưu lượng oxy có thể duy trì trao đổi tối đa qua các phế nang của phổi. Việc tập luyện giữ hơi thở là cực kỳ cần thiết để kiểm soát tình trạng sức khỏe cho người bệnh Covid-19 đã được các chuyên gia trong nước và quốc tế khuyến cáo.
Duy trì tinh thần và giấc ngủ
Việc tự cách ly tại nhà thường sẽ tạo cảm giác bí bách đối với nhiều người trong xã hội hiện nay. Việc tiếp xúc thông tin đa chiều trên mạng xã hội về dịch bệnh cũng làm trình trạng hoang mang và lo lắng quá mức là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn lo âu cho người bệnh trong và sau khi khỏi Covid-19. Vì thế, người bệnh không nên quá lo lắng khi xuất hiện một số triệu chứng của bệnh, hãy thông báo ngay cho y tế địa phương hoặc các bác sĩ hỗ trợ sẽ hướng dẫn bạn xử trí bằng thuốc và tập luyện để khắc phục.
Ngủ đủ giấc sẽ giúp cân bằng nhiều chức năng quan trọng của cơ thể, trong đó có lợi ích về duy trì sức đề kháng tốt cho người bệnh. Nếu có tình trạng khó ngủ, người bệnh có thể nghe nhạc nhẹ, tập hít thở sâu và theo dõi nhịp thở, thư giãn thả lỏng cơ thể sẽ giúp dễ vào giấc ngủ hơn.
Không test nhanh quá nhiều
Không nên thực hiện test nhanh quá nhiều lần để tránh tình trạng lãng phí lẫn hoang mang, người bệnh chỉ nên thực hiện test nhanh khi cảm thấy triệu chứng giảm nhiều hoặc ở ngày thứ 5 – 7.
Ngoài ra, người bệnh cần duy trì vệ sinh cá nhân và nơi ở để tạo không gian sống thoải mái. Không nên xông nóng quá nhiều lần hoặc không xông trực tiếp vào đường thở quá lâu để tránh làm bỏng niêm mạc hô hấp. Không sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc và các thuốc cần được chỉ định của bác sĩ. Có thể phối hợp điều trị bằng các thuốc y học cổ truyền để nâng cao sức đề kháng, kiểm soát các triệu chứng: ho, mất ngủ, rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi,…
Hãy tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế khi cần thiết để xử trí kịp thời.
Những hiểu lầm và điều cần lưu ý về đại dịch COVID-19
Ngày 11/3 là tròn 2 năm sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu.
Đến nay, trên 450 triệu người dân trên thế giới đã mắc bệnh, trên 6 triệu người đã t.ử v.ong và COVID-19 trở thành một trong những đại dịch nghiêm trọng nhất trong lịch sử.
Bảng nhắc nhở người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại bến xe buýt ở Toronto, Canada, ngày 2/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Mới đây, trang abc.net (Australia) đã đăng tải bài đ.ánh giá của Giáo sư Adrian Esterman, chuyên ngành thống kê sinh học và dịch bệnh học, tại đại Học Nam Australia, chỉ ra 3 điều thế giới đã từng hiểu sai về COVID-19 và 3 điều cần chú ý trong tương lai. Trong thời gian đầu dịch bệnh mới xuất hiện có nhiều điều thế giới còn chưa hiểu rõ về virus SARS-CoV-2 dẫn tới một số quan niệm sai lầm.
Điều đầu tiên, đó là hoài nghi về khả năng tìm ra vaccine phòng bệnh. Trước khi COVID-19 xuất hiện, giới khoa học đã nỗ lực phát triển các loại vaccine ngừa virus gây Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) đều do 2 chủng virus corona giống như SARS-CoV-2 gây ra. Một số loại vaccine đã được đưa vào thử nghiệm lâm sàng nhưng chưa loại nào được cấp phép. Trước vaccine phòng COVID-19, vaccine phòng bệnh quai bị là loại được phát triển nhanh nhất trong lịch sử và cũng cần 4 năm hoàn thiện.
Tuy nhiên, Pfizer/BioNTech thông báo phát triển thành công vaccine phòng COVID-19 trong vòng 12 tháng và đến nay đã có hơn 10 loại vaccine được cấp phép sử dụng ở nhiều nơi trên thế giới và hơn 100 loại đang ở các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng khác nhau. Hiện Pfizer và Moderna đều đã thông báo tiến hành thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng biến thể Omicron và nhiều nhóm nghiên cứu khác cũng đang phát triển các vaccine có tiềm năng phòng mọi loại biến thể của virus.
Sai lầm thứ hai là suy nghĩ không cần đeo khẩu trang. Trong thời gian đầu, khi chưa có vaccine, các biện pháp vệ sinh cá nhân, giãn cách xã hội và đeo khẩu trang giúp giảm lây nhiễm. Tuy nhiên, trong khi đa số ý kiến ủng hộ biện pháp rửa tay sát khuẩn và giãn cách xã hội thì biện pháp đeo khẩu trang lại gặp phải những luồng ý kiến trái chiều.
Trước tháng 4/2020, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ từng ra khuyến nghị không cần đeo khẩu trang tại nơi công cộng, chủ yếu do 2 nguyên nhân là lo ngại thiếu nguồn cung khẩu trang phẫu thuật và khẩu trang N95 cho các địa điểm có nguy cơ cao hơn, ngoài ra khi đó các ca không triệu chứng và ca ủ bệnh chưa phát triệu chứng được tin là không có khả năng lây bệnh. Tuy nhiên, đến ngày 3/4/2020, CDC đã điều chỉnh hướng dẫn và khuyến nghị người dân đeo khẩu trang vải nhiều lớp và đến nay là đeo khẩu trang vừa khít và ôm vào mặt. Với biến thể Omicron, nhiều chuyên gia cho rằng đeo khẩu trang vải không đảm bảo mà cần đeo khẩu trang phẫu thuật hoặc chuyên dụng hơn.
Sai lầm thứ 3 là trong những ngày đầu đại dịch mới xuất hiện, nhiều ý kiến cho rằng các bề mặt tiếp xúc là nơi có nguy cơ lây truyền virus nhiều nhất. Tuy nhiên, hiện nay, các thông tin đều chỉ ra virus lây lan đầu tiên là qua các giọt b.ắn và dịch tiết. Các nhà khoa học ngày nay tin rằng nguy cơ lây nhiễm bệnh do tiếp xúc với các bề mặt nhiễm khuẩn là rất ít.
Tác giả bài viết cũng nêu 3 điều thế giới cần chú ý trong tương lai.
Thứ nhất là nguy cơ xuất hiện các biến thể mới và gây bệnh nghiêm trọng hơn. Một trong những cơ sở chính để lo ngại là tỷ lệ tiêm phòng còn thấp ở nhiều quốc gia đang phát triển. Virus càng lây lan và sao chép ở nhiều người chưa tiêm phòng thì càng có nguy cơ xuất hiện các đột biến và biến thể mới.
Thứ 2 là tình trạng miễn dịch giảm dần theo thời gian. Nhiều người già và người dễ bị tổng thương đã tiêm mũi 3 từ tháng 11 hoặc tháng 12/2021 hiện đang cho thấy khả năng miễn dịch giảm nhanh. Do đó, nhóm này cần được tiêm mũi 4 càng sớm càng tốt.
Thứ 3 là các triệu chứng kéo dài sau khi mắc COVID-19. Khi số lượng người mắc COVID-19 ngày càng tăng thì số người chịu các vấn đề sức khỏe kéo dài cũng sẽ ngày càng nhiều. Do đó, tác giả cho rằng nhà chức trách cần duy trì một số biện pháp phòng dịch cơ bản như quy định đeo khẩu trang để hạn chế số người bị mắc bệnh.
Dù cho rằng hiện chưa phải lúc để coi đại dịch COVID-19 là bệnh đặc hữu và cần nhanh chóng đưa cuộc sống trở lại bình thường, tác giả bài viết vẫn tin rằng với các loại vaccine tốt hơn và các phương pháp điều trị được cải thiện, thế giới đang bắt đầu giai đoạn cuối của thời kỳ đại dịch.