Nghiên cứu của Israel cho biết các triệu chứng Covid-19 kéo dài ít xảy ra ở người đã tiêm chủng hơn.
Dữ liệu từ những người nhiễm Covid-19 trong thời kỳ đầu của đại dịch đã làm tăng thêm bằng chứng cho thấy tiêm chủng có thể giúp giảm nguy cơ mắc Covid-19 kéo dài.
Các nhà nghiên cứu ở Israel đã phát hiện những người đã tiêm vắc xin Pfizer, nếu có nhiễm Covid-19, cũng ít có nguy cơ gặp các triệu chứng Covid-19 kéo dài hơn nhiều, so với những người nhiễm bệnh nhưng chưa tiêm chủng, theo tạp chí khoa học Nature.
Thực tế, những người đã tiêm chủng ít có nguy cơ gặp các triệu chứng hơn những người chưa tiêm. Nghiên cứu vẫn đang chờ duyệt.
Tiêm chủng có thể giúp giảm nguy cơ mắc Covid-19 kéo dài. Ảnh SHUTTERSTOCK
Đồng tác giả, phó giáo sư Michael Edelstein, nhà dịch tễ học tại Đại học Bar-Ilan ở Safed (Israel), cho biết đây cũng là một lý do để tiêm phòng.
Những người bị các di chứng của Covid-19 tiếp tục gặp các triệu chứng, như mệt mỏi, khó thở và thậm chí khó tập trung từ vài tuần, vài tháng cho đến vài năm sau khi nhiễm Covid-19, theo Nature.
Về lý thuyết, vắc xin cũng có thể giảm tình trạng bệnh bằng cách giảm thiểu thời gian virus tự do tái tạo trong cơ thể, nếu nhiễm bệnh.
Nhưng cho đến nay, một số nghiên cứu xem xét liệu vắc xin có bảo vệ người bệnh khỏi Covid kéo dài hay không còn cho kết quả khác nhau, tiến sĩ Akiko Iwasaki, nhà miễn dịch học virus tại Trường Y Yale (Mỹ), cho biết.
Lãnh đạo WHO tin giai đoạn “cấp tính” của đại dịch Covid-19 sắp qua
Để xem xét ảnh hưởng lâu dài của đại dịch, từ tháng 7 đến tháng 11.2021, phó giáo sư Edelstein và các đồng nghiệp đã khảo sát hơn 3.000 người về các triệu chứng phổ biến nhất của Covid kéo dài.
Kết quả, họ đã phát hiện ra rằng, so với bệnh nhân Covid-19 chưa tiêm chủng, những người đã tiêm chủng đầy đủ, đã giảm các triệu chứng Covid kéo dài như sau:
Giảm 54% triệu chứng đau đầu
Giảm 64% triệu chứng mệt mỏi
Giảm 68% triệu chứng đau cơ
Các nhà nghiên cứu ở Israel đã phát hiện những người đã tiêm vắc xin Pfizer, nếu có nhiễm Covid-19, cũng ít có nguy cơ gặp các triệu chứng Covid kéo dài hơn nhiều, so với những người nhiễm bệnh nhưng chưa tiêm chủng. Ảnh SHUTTERSTOCK
Tiêm vắc xin giúp giảm tình trạng hậu Covid-19?
Phó giáo sư Edelstein cho biết đây là nghiên cứu “toàn diện và chính xác nhất” cho đến nay về tác dụng của tiêm chủng trong việc giảm các di chứng hậu Covid-19. Và kết quả này trùng khớp với các nghiên cứu khác – cho thấy tiêm chủng giúp giảm một nửa nguy cơ bị Covid-19 kéo dài, theo Nature.
Tiến sĩ Claire Steves, bác sĩ tại Đại học Kings College London(Anh), người dẫn đầu nghiên cứu của Anh, đồng ý rằng dữ liệu của Israel trùng khớp với những phát hiện trước đây.
Cô Steves nói, việc nhiều nghiên cứu cùng cho kết quả giống nhau càng nhấn mạnh tầm quan trọng của phát hiện.
Mặc dù kết quả nghiên cứu của cả Anh và Israel đều cho thấy tiêm chủng làm giảm nguy cơ mắc Covid-19 kéo dài, nhưng vẫn không thể tránh khỏi tình trạng người đã tiêm chủng vẫn gặp tình trạng này, theo tạp chí khoa học Nature.
Cho phép sử dụng kết quả test nhanh để xác định F0
Bộ Y tế vừa có ý kiến về đề xuất của nhiều địa phương sử dụng kết quả test nhanh kháng nguyên để xác định người nhiễm SARS-CoV-2 và xác định tình trạng khỏi bệnh, ra viện.
Theo Bộ Y tế, hiện nay tình hình dịch Covid-19 trên cả nước diễn biến phức tạp, số mắc có xu hướng ngày một tăng. Để thích ứng tình hình mới và bảo đảm an toàn, linh hoạt phù hợp với điều kiện và nguồn lực của địa phương, Bộ đề nghị các Sở Y tế, các cơ sở y tế căn cứ cấp độ dịch, khả năng đáp ứng và các hướng dẫn về quản lý F0 tại nhà, hướng dẫn chẩn đoán điều trị Covid-19 để xác định ca bệnh theo hướng dẫn.
Trước đó, Bộ Y tế có văn bản đồng ý cho TPHCM và Hà Nội sử dụng kết quả test nhanh để xác định ca nhiễm SARS-CoV-2 và tình trạng khỏi bệnh (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).
Theo đó, có 3 trường hợp để xác định một người nhiễm SARS-CoV-2.
Thứ nhất là người có xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2 bằng RT-PCR.
Thứ 2 là trường hợp bệnh nghi ngờ có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính.
Thứ 3, là những người không có triệu chứng, có yếu tố dịch tễ hoặc tiếp xúc gần với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định mắc Covid-19 trong khoảng 14 ngày và có 2 kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính (xét nghiệm lần 2 trong vòng 8 giờ từ khi có kết quả xét nghiệm lần 1). Trong trường hợp chỉ có một kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính thì cần phải có xét nghiệm Real-time RT-PCR để khẳng định.
Về đề xuất sử dụng kết quả xét nghiệm kháng nguyên để xác định tình trạng khỏi bệnh và cho ra viện, theo Bộ Y tế, với người bệnh Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà theo quy định sẽ được dỡ bỏ cách ly, điều trị tại nhà khi thời gian cách ly, điều trị đủ 10 ngày và có kết quả xét nghiệm kháng nguyên âm tính. Trạm Y tế nơi quản lý chịu trách nhiệm xác nhận khỏi bệnh cho người bệnh.
Còn với người bệnh điều trị các cơ sở thu dung, điều trị, nếu là người bệnh Covid-19 đơn thuần hay người có bệnh nền/bệnh kèm theo, thì các triệu chứng lâm sàng cần phải hết trước ngày ra viện từ 3 ngày trở lên; có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính hoặc Ct từ 30 trở lên hoặc test nhanh âm tính vào trước ngày ra viện.
Người bệnh Covid-19 đơn thuần sau khi ra viện cần ở tại nhà, tự theo dõi trong 7 ngày, tuân thủ 5K. Đồng thời, đo thân nhiệt 2 lần/ngày. Nếu thân nhiệt cao hơn 38 độ C ở hai lần đo liên tiếp hoặc có bất kỳ dấu hiệu lâm sàng bất thường nào thì cần báo cho y tế cơ sở để thăm khám và xử trí kịp thời.
Với người có bệnh nền/bệnh kèm theo, sau khi được xác định khỏi Covid-19, được chuyển sang khoa điều trị bệnh kèm theo/ bệnh nền (nếu cần) tại buồng riêngcủa khoa đó để tiếp tục điều trị và được sàng lọc, theo dõi theo quy định đối với người bệnh nội trú.
Trong đó lưu ý, test nhanh do Bộ Y tế cấp phép và do nhân viên y tế thực hiện hoặc người nghi nhiễm thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế (trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa).