Tập luyện thể thao bị đau, làm sao để biết do căng cơ hay bong gân?

Tập luyện thể thao, đặc biệt là tập cường độ cao, rất dễ bị bong gân hay căng cơ. Hai tình trạng này có nhiều triệu chứng khá giống nhau.

Để hiểu sự khác biệt giữa căng cơ và bong gân, trước tiên cần hiểu về cách mà hệ cơ xương hoạt động. Hệ cơ xương gồm cơ bắp, xương, gân, dây chằng và các mô mềm, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

tap luyen the thao bi dau lam sao de biet do cang co hay bong gan 64c 6315070

Tập luyện thể thao, tai nạn, nâng vật nặng, vận động quá sức, té ngã là những chấn thương thường gặp gây căng cơ và bong gân. Ảnh SHUTTERSTOCK

Hệ cơ xương giúp chúng ta có thể đi bộ, chạy, nhảy, di chuyển và thực hiện bất kỳ động tác nào. Trong đó, gân là mô cứng giúp kết nối xương với cơ. Dây chằng là các mô kết nối xương với xương, hoặc xương với các cơ quan khác.

Cả gân và dây chằng đều được cấu tạo từ collagen, do đó rất dẻo và bền. Nhưng đôi khi, chúng vẫn có thể bị rách. Tùy thuộc vào vết rách mà chúng ta có thể xác định cơn đau là do căng cơ hay bong gân.

Căng cơ là do cơ bắp hoặc gân bị căng quá mức, thậm chí bị rách. Tình trạng này thường xảy ra ở gân kheo và lưng dưới. Trong khi đó, bong gân là dây chằng bị giãn quá mức hoặc bị rách. Bong gân thường xảy ra ở mắt cá chân.

Căng cơ và bong gân có nhiều triệu chứng giống nhau như sưng, đau, vận động khó khăn. Tuy nhiên, sự khác biệt chính của 2 tình trạng này là căng cơ gây ra sự co thắt cơ, trong khi bong gân có thể gây bầm tím xung quanh vị trí dây chằng bị tổn thương.

Nguyên nhân gây căng cơ và bong gân thường do tập luyện thể thao, tai nạn, nâng vật nặng, vận động quá sức, té ngã hoặc thực hiện một động tác lặp đi lặp lại trong thời gian dài.

Nguy cơ bị căng cơ, bong gân sẽ tăng lên nếu bạn đột ngột cử động mạnh, không khởi động khi tập luyện thể thao, di chuyển trên những địa hình dễ té ngã, độ dốc cao, vỉa hè trơn trượt.

Các biện pháp như nghỉ ngơi, chườm đá, dùng băng vải cố định khớp, nâng cao vùng bị tổn thương để giảm sưng và bầm có thể giúp căng cơ, bong gân thuyên giảm. Tình trạng chấn thương nặng có thể cần phải đến bác sĩ kiểm tra, thậm chí phẫu thuật, theo Healthline.

Bị bong gân mắt cá chân mà không điều trị, hậu quả thế nào?

Mắt cá chân là một trong những vị trí dễ bị bong gân nhất trên cơ thể.

Té ngã, vấp khi mang giày cao gót, chấn thương thể thao đều có thể dẫn đến bong gân mắt cá chân.

Bong gân mắt cá chân là tình trạng giãn hoặc rách dây chằng ở mắt cá chân. Bong gân có thể có mức độ nặng nhẹ khác nhau nhưng các triệu chứng chung là sưng, bầm tím, cử động khó khăn và đau khi chạm vào, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

bi bong gan mat ca chan ma khong dieu tri hau qua the nao c02 6311766

Bong gân mắt cá chân nếu không được điều trị có thể làm tăng nguy cơ bị viêm khớp, viêm mạn tính ở mắt cá chân trong tương lai. Ảnh SHUTTERSTOCK

Những yếu tố làm tăng nguy cơ bị bong gân mắt cá chân thường là do té ngã, đi trên bề mặt gập ghềnh, trơn trượt, đi giày không vừa với kích cỡ bàn chân hoặc chấn thương khi tập luyện thể thao cường độ cao như chạy bộ, đá bóng.

Ở những trường hợp bị bong gân nhẹ, các biện pháp như chườm đá, nghỉ ngơi có thể giúp mau bình phục. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bong gân mắt cá chân nếu không được điều trị có thể khiến tình trạng này thêm nặng.

Tại Mỹ, các thống kê cho thấy bong gân chiếm 40% tổng số ca chấn thương liên quan đến mắt cá chân. Bong gân mắt cá chân được chia làm 2 loại gồm bong gân mắt cá chân xoay ngược (bàn chân xoắn vào trong) và bong gân mắt cá chân lật ngược (bàn chân xoắn ra ngoài).

Những tổn thương này thường xuất hiện ở các dây chằng bao bọc bên ngoài mắt cá chân. Dù vậy, cơn đau bên trong mắt cá chân có thể trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng đến vòm bàn chân.

Bong gân mắt cá chân nếu không được điều trị có thể tiến triển nặng hơn, khiến dễ mắc một số vấn đề sức khỏe trong tương lai. Nguy cơ dễ xảy ra nhất là khiến khớp mắt cá chân bị yếu, làm tăng nguy cơ chấn thương. Đồng thời, tình trạng này sẽ đẩy rủi ro bị viêm khớp, viêm mạn tính ở mắt cá chân lên cao.

Do đó, nếu bong gân mắt cá chân kéo dài không hết thì phải đến bác sĩ kiểm tra. Đồng thời, cần có biện pháp phòng ngừa để giảm nguy cơ bong gân. Chẳng hạn, mọi người cần cẩn trọng khi chạy hay đi trên bề mặt gồ ghề, không bằng phẳng, khởi động kỹ trước khi tập luyện.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến cáo cần mang giày vừa với kích cỡ chân, hạn chế mang giày cao gót, tập luyện phù hợp để duy trì sức mạnh và độ dẻo dai của cơ thể, theo Healthline.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *